Nói không với khói thuốc học đường

12:00 AM 29/11/2016 Lượt xem: 7810 In bài viết

Ảnh minh họa, nguồn internet

Nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của giống nòi và sức khỏe của nhiều thế hệ người Việt Nam trong tương lai. ảnh minh họa/ Internet Một thực trạng hiện nay rất đáng báo động là số người hút thuốc ngày càng trẻ hóa, và hình ảnh những cậu học trò mới học cấp II, trên vai vẫn đeo khăn quàng đỏ, mà trên môi đã phì phèo điếu thuốc gần như hiện diện ở khắp mọi nơi. Theo báo cáo, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi 13-15 hút thuốc lá là 10,4-22,9%, trong đó có khoảng 5-8% số học sinh được khảo sát vẫn đang hút thuốc lá. Có đến 44% nam sinh và 12% nữ sinh bậc THPT ở TP HCM có thói quen tai hại này. Đây là kết quả một nghiên cứu do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Thành phố thực hiện tại 27 trường THPT trên địa bàn thành phố thực hiện. Có đến 17% hút 6-10 điếu/ngày, 6% hút 11-19 điếu/ngày, nhiều em hút mỗi ngày trên 20 điếu. Điều đáng sợ là có đến 15% học sinh cho rằng hút thuốc lá là hành vi bình thường, không có gì đáng phê phán. Thuốc lá rất dễ nghiện nhưng đã nghiện lại rất khó bỏ. Các em học sinh cũng chưa hình dung hết khi đã nghiện thuốc lá không những phải mang theo suốt đời gánh nặng bệnh tật mà còn mang theo suốt đời gánh nặng kinh tế. Theo báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá cho thấy, số tiền người dân bỏ ra mua thuốc lá năm 1998 là 5.000 tỷ đồng, đến năm 2002 đã là 10.400 tỷ đồng; năm 2007 là 14.000 tỷ đồng. Số tiền đó gần bằng số tiền chi cho y tế và gần bằng mức chi cho giáo dục tính theo đầu người. Chính vì vậy, cần phải đưa những nội dung về tuyên truyền phòng chống thuốc lá vào trường học và xem đây là công tác trọng tâm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh hút thuốc lá. Để làm được điều đó, cần trang bị cho học sinh các kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc từ bạn bè hoặc mọi người. Tuyên truyền phòng chống thuốc lá trong học đường. Thông qua các hoạt động của đoàn thanh niên, lồng ghép nội dung về tác hại của thuốc lá. Phê bình giáo dục những học sinh lén lút hút thuốc hoặc lôi kéo bạn hút. Mỗi buổi chào cờ đầu tuần cần nhắc nhở qui định cấm hút thuốc của nhà trường. Các giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, giáo viên chủ nhiệm cần lưu ý phân tích hoặc tâm tình với học sinh về tác hại của khói thuốc lá, giúp đỡ các em đã chớm nghiện bỏ thuốc lá sớm. Các ngày trong tuần nên có đội cờ đỏ kiểm tra phát hiện các bạn hút thuốc lá. Tổ chức các diễn đàn hoặc sân khấu hóa về tác hại của thuốc lá. Tuyên truyền tới học sinh quyết định 1315/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường thực hiện công ước khung về phòng chống tác hại của thuốc lá” đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2010. Giáo dục các thế hệ học sinh nói “không” với thuốc lá, chúng ta sẽ có nhiều thế hệ công dân khỏe mạnh, trí tuệ, có lối sống văn minh lành mạnh và bớt đi được nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội. Muốn vậy, nhà trường cần tăng cường giáo dục và quyết liệt ngăn chặn sớm. Gia đình và xã hội cùng phối hợp để bảo vệ con em mình không cho sa đà vào hút thuốc. Cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm. Nhà trường, gia đình và xã hội cùng đồng loạt chung tay phòng chống tác hại của thuốc lá thì việc giảm thiểu tỷ lệ học sinh, sinh viên hút thuốc lá là có tính khả thi. Đây phải là khẩu hiệu mà tất cả các nhà trường nên treo ở chỗ dễ nhìn thấy nhất bởi ích lợi to lớn và lâu dài của một môi trường học đường trong sạch không có khói thuốc lá. Có như vậy thì việc phấn đấu để có một môi trường học đường “xanh, sạch, đẹp” mới trọn vẹn đầy đủ. Đây phải là công việc cấp bách của gia đình, nhà trường và của toàn xã hội, mới mong ngăn chặn được những ảnh hưởng của thuốc lá. (Số liệu thống kê từ các báo, và WHO).

Chia sẻ về biện pháp ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá trong học đường, hầu hết trường học trên địa bàn tỉnh đều tích cực triển khai tuyên truyền phòng chống hút thuốc lá, các biện pháp kỷ luật được nhà trường đưa vào nội quy ngay từ đầu năm học. Các buổi sinh hoạt dưới cờ hàng tuần đều có nội dung tuyên truyền về tác hại thuốc lá và học sinh đã làm cam kết không tàng trữ, không sử dụng các chất gây nghiện, trong đó có thuốc lá. Thậm chí, một số trường còn thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống thuốc lá trong các tiết học về kỹ năng sống. Nếu học sinh bị phát hiện hút thuốc lá trong trường học sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Để nói không với thuốc lá trong học đường, cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, trước tiên là xây dựng gia đình không khói thuốc. Cha mẹ cần trang bị cho con các kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc lá từ bạn bè hoặc mọi người, tạo thói quen nói không với thuốc lá cho con em mình. Thường xuyên quan tâm, quản lý sinh hoạt hàng ngày của con em về thời gian và các mối quan hệ bạn bè. Ngoài ra các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ việc buôn bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên. Còn lại vấn đề quan trọng nhất vẫn là từ phía các em học sinh, các em phải có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình.

Theo số liệu trong Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá quốc gia, trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có 100 người chết vì các bệnh liên quan tới thuốc lá, nhiều hơn con số tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ. Trung bình một năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người chết vì các bệnh liên quan tới thuốc lá, cao hơn tổng số người chết vì TNGT và HIV/AIDS. Kết quả điều tra về thực trạng sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13 - 15 tuổi cho thấy, 10,3% học sinh nam và 4% học sinh nữ trả lời có ý định hút thuốc trong tương lai; trên 60% học sinh lứa tuổi này thường xuyên hút thuốc thụ động tại nhà. Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc nhiều nhất trên thế giới. Nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống hữu hiệu, con số tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030.

Theo số liệu của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam mỗi năm có trên 5 triệu người bị chết vì thuốc lá và các tác nhân liên quan tới thuốc lá. Nếu không kịp thời có những biện pháp kiểm soát, ngăn chặn việc hút thuốc lá, đặc biệt là trong lứa học sinh, sinh viên thì số người chết do hút thuốc lá ngày càng tăng. Chính vì vậy mà các trường học cần chú trọng giáo dục học sinh, sinh viên ngăn chặn sớm tệ nạn hút thuốc lá.

Theo Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cấm hút thuốc lá tại các bến tàu, bến xe, bệnh viện, trường học nhưng khói thuốc lá vẫn không giảm. Tại các trường đại học, cao đẳng đều có quy định cấm hút thuốc lá, nhưng biện pháp xử phạt chưa đủ mạnh nên có nơi vẫn chìm trong khói thuốc. Thường thì sinh viên hút thuốc lá tập trung ở những căng-tin nằm ngay bên trong trường, đây là nơi các trường cho tư nhân thuê nên không chú ý nhiều đến việc bán thuốc cho sinh viên, đặc biệt việc bán thuốc lá tràn lan của các cửa hàng xung quanh trường là rất phổ biến, vì vậy mua thuốc lá trong và gần trường là điều rất dễ dàng.Ngày 18/6/2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó tại điều 9 quy định cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi... Nhưng việc thực hiện vẫn chưa được triển khai quyết liệt, nhất là đối với việc bán thuốc lá xung quanh các trường đại học, cao đẳng và Trung học phổ thông vẫn diễn ra.

NH