Cai nghiện thuốc lá càng sớm - Lợi ích sức khỏe càng cao

12:00 PM 02/11/2021 Lượt xem: 509 In bài viết

Ảnh minh họa

Những lợi ích của bỏ thuốc lá

Nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra chậm nhất 20 phút sau khi hút điếu thuốc cuối cùng, nhịp tim giảm xuống, trở lại bình thường. Huyết áp bắt đầu giảm, tuần hoàn bắt đầu cải thiện.

Sau 12 giờ: cơ thể sẽ tự làm sạch lượng khí Carbon monoxide dư thừa từ thuốc lá. Mức Carbon monoxide trở lại bình thường, làm tăng mức Oxy của cơ thể.

Sau 1 ngày: huyết áp bắt đầu giảm, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do tăng huyết áp liên quan đến thuốc lá.

Sau 2 ngày: khứu giác tốt hơn và vị giác sống động hơn khi các dây thần kinh lành lại.

Sau 1 tháng: chức năng phổi bắt đầu được cải thiện, người hút thuốc trước đây có thể nhận thấy ít ho và ít khó thở hơn.

Sau 1 đến 3 tháng: tuần hoàn tiếp tục được cải thiện.

Sau 9 tháng: phổi đã tự lành đáng kể, hệ thống lông mao phục hồi. Những cấu trúc này giúp đẩy chất nhầy ra khỏi phổi và giúp chống lại nhiễm trùng. Người từng hút thuốc nhận thấy tần suất xuất hiện các bệnh lý liên quan đến phổi giảm hơn.

Sau 1 năm: nguy cơ mắc bệnh mạch vành giảm đi một nửa và tiếp tục giảm qua mốc 1 năm.

Sau 5 năm: cơ thể đã tự chữa lành đủ để các động mạch và mạch máu bắt đầu mở rộng trở lại. Khả năng hình thành cục máu đông giảm, giảm nguy cơ đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ tiếp tục giảm trong 10 năm tới khi cơ thể ngày càng phục hồi.

Sau 10 năm: nguy cơ ung thư phổi và tử vong vì bệnh của một người bỏ thuốc lá gần như giảm một nửa so với những người tiếp tục hút thuốc. Khả năng phát triển ung thư miệng, cổ họng hoặc tuyến tụy đã giảm đáng kể.

Sau 15 năm: khả năng mắc bệnh mạch vành tương đương với người không hút thuốc. Tương tự, nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy đã giảm xuống mức tương đương với người không hút thuốc.

Sau 20 năm: nguy cơ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến hút thuốc, bao gồm cả bệnh phổi và ung thư giảm xuống mức của một người chưa bao giờ hút thuốc trong đời. Nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy đã giảm xuống tương đương với những người chưa bao giờ hút thuốc.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định, người hút thuốc lá cai nghiện càng sớm, lợi ích đạt được về sức khỏe càng cao, đồng thời giảm thiểu được các gánh nặng về bệnh tật, kinh tế, xã hội.

Cần có cơ chế chính sách để triển khai hiệu quả công tác cai nghiện thuốc lá

Một báo cáo của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết, từ năm 2017-2020, đã có trên 100.200 lượt bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá trực tiếp tại các bệnh viện, trong đó có gần 7.000 lượt bệnh nhân tư vấn chuyên sâu. Trên 5.200 số bệnh nhân có hồ sơ theo dõi, có 727 bệnh nhân cai nghiện thành công.
Từ năm 2015-2020, có trên 81.000 cuộc gọi tư vấn qua tổng đài, trong đó có trên một nửa số cuộc gọi được tư vấn và có hồ sơ theo dõi cai nghiện; 1.111 bệnh nhân cai nghiện thành công trong hơn 1 năm.

Tuy đạt được những kết quả ban đầu như trên nhưng nhìn chung công tác tổ chức cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Đầu tiên là nhận thức của người dân về lợi ích của cai nghiện thuốc lá còn hạn chế. Tiếp đó là các cơ sở y tế tại các tuyến tỉnh, huyện, xã chưa thực sự quan tâm và chủ động triển khai tư vấn cai nghiện, thiếu các thuốc thiết yếu trong điều trị cai nghiện thuốc lá...

Bên cạnh đó, sự xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử được quảng cáo tràn lan với những thông tin gây nhầm lẫn cho người sử dụng rằng các sản phẩm thuốc lá mới giúp cai nghiện thuốc lá điếu truyền thống đã gây không ít khó khăn cho công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá.

PGS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh Viện K Trung ương đánh giá:  Khi bệnh nhân hút thuốc, lượng chất gây ung thư phơi nhiễm với cơ thể càng lớn thì nguy cơ gây ung thư càng cao. Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã qua kiểm định đã được xác định giảm phơi nhiễm không đồng nghĩa với việc khuyến khích hành vi tiếp tục hút thuốc. Mọi sản phẩm thuốc lá đều gây hại vì chứa nicotin là chất gây nghiện. Do vậy cai thuốc lá là biện pháp cần phải được áp dụng đầu tiên.

TS. Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, để triển khai hiệu quả công tác cai nghiện thuốc lá, cần công nhận hỗ trợ cai thuốc lá là một thành phần thiết yếu của bao phủ y tế toàn dân và cai thuốc lá phải được đưa vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Hãy gọi 18006606 - Đường dây miễn phí hỗ trợ tư vấn cai nghiện thuộc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế.

 

Hoàng Thu